TÓM TẮT
Ung thư biểu mô gai xương thái dương và ống tai ngoài là một loại u hiếm gặp với tỉ lệ mắc bệnh khoảng 1 đến 6 trường hợp trên dân số 1 triệu dân trong 1 năm. Bởi vì ung thư biểu mô tế bào gai xương thái dương và ống tai là rất hiếm gặp nên việc xây dựng hệ thống phân giai đoạn và điều trị đầy đủ là khá khó khăn. Sau đây là báo cáo một trường hợp ung thư biểu mô tế bào gai ống tai ngoài ở một bệnh nhân nam 70 tuổi, có bệnh sử đau tai và chảy mủ tai (T) 8 tháng. Bệnh nhân được phẫu thuật cắt mặt ngoài xương thái dương và sau đó tiếp tục được điều trị bằng xạ trị.
Từ khóa: ống tai ngoài, xương thái dương, ung thư biểu mô tế bào gai
GIỚI THIỆU
Ung thư biểu mô xuất phát từ ống tai ngoài và xương thái dương là ung thư hiếm gặp và chiếm < 0.2% các loại u ở đầu cổ với tỉ lệ mắc bệnh là 1/1 triệu người trong 1 năm ở nữ và 0.8/ 1 triệu người trong 1 năm ở nam. Ung thư tế bào biểu mô gai là loại mô bệnh thường gặp nhất, chiếm từ 0-90 phần trăm các loại u ở xương thái dương [7]. Đây là một bệnh lý xâm lấn với tiên lượng phụ thuộc vào giai đoạn bệnh và phương pháp điều trị. Các loại mô bệnh khác của các u xuất phát từ ống tai ngoài và xương thái dương bao gồm ung thư biểu mô tuyến, ung thư biểu mô nang dạng tuyến, ung thư biểu mô nhầy bì, ung thư biểu mô tế bào đáy, ung thư biểu mô tuyến ráy tai, và ung thư cơ vân. Chảy tai kéo dài và viêm nhiễm hoặc cholesteatoma tai ngoài và tai giữa là những yếu tố nguy cơ có liên quan. Ca lâm sàng sau đây sẽ báo cáo một trường hợp nhập viện với bệnh lý ung thư biểu mô tế bào gai ở ống tai ngoài, về mặt lâm sàng, cận lâm sàng cũng như điều trị.
TRÌNH BÀY CA LÂM SÀNG
Bệnh nhân: Nam, 70 Tuổi
Lý do vào viện: chảy mủ tai (T), đau tai (T)
Bệnh sử: Bệnh nhân than chảy mủ tai (T) kèm đau tai (T) khoảng 8 tháng nay. Bệnh nhân tự mua thuốc ngoài nhà thuốc uống nhưng triệu chứng không thuyên giảm. Thời gian bệnh nhân bắt đầu có triệu chứng là thời điểm đang bùng phát dịch Covid nên bệnh nhân không muốn đi bệnh viện khám bệnh. Tuy nhiên triệu chứng ngày càng tăng và bệnh nhân cảm thấy có khối sưng trong tai nên đi khám tại bệnh viện chuyên khoa ung bướu. Tại đây bệnh nhân được bấm sinh thiết khối u trong tai để gửi giải phẫu bệnh. Kết quả giải phẫu bệnh là Carcinoma tế bào gai, sừng hóa, biệt hóa rõ, độ I. Bệnh nhân được chuyển sang bệnh viện Tai Mũi Họng để tiếp tục điều trị.
Cận lâm sàng :
- Nội soi tai: có khối u gây chít hẹp ống tai (T)

- CT-scan: tổn thương dày lồi lõm phần mềm thành sau ống tai (T), ranh giới không rõ, làm hẹp ống tai (T), có hủy xương thành dưới ống tai (T). Dày phần mềm ống tai (T) lan tỏa, chưa thấy xâm lấn ra xung quanh. Ranh giới với bờ trên tuyến mang tai (T) còn thấy.

- Thính lực đồ : nghe kém hỗn hợp trung bình tai (T).
Điều trị:
Bệnh nhân được lên chương trình mổ cắt mặt ngoài xương thái dương (T) lấy biên u gửi GPB.
Tường trình phẫu thuật :
- Dùng kính hiển vi quan sát thấy u chiếm trọn ống tai ngoài, cách cửa tai # 0.5cm. Cắt da ống tai theo chu vi cửa tai
- Rạch da sau tai hình chữ C cách rãnh sau tai 4cm, phía dưới ngang mỏm chũm, phía trên ra trước ngang thành trước ống tai.
- Bóc tách mô dưới da ra trước, cắt ngang qua chu vi vùng cửa tai bên ngoài u theo đường rạch cửa tai, bộc lộ toàn bộ mặt ngoài của khối u. Dùng chỉ khâu cửa tai.
- Bóc tách phần cân cơ, cốt mạc, bộc lộ mặt phẫu thuật xương chũm.
- Tiến hành mở xương chũm (T) : khoan mở sào bào thượng nhĩ, quan sát thấy khối u hủy xương thành dưới ống tai, cách khung nhĩ # 4mm => quyết định hạ tường, chặt cầu
- Bóc tách màng nhĩ – khung nhĩ xơ ra khỏi khung nhĩ xương. Quan sát thấy u chưa xâm nhập hòm nhĩ, màng nhĩ còn nguyên vẹn. Gỡ khớp đe đạp, lấy bỏ xương đe, cắt bỏ đầu xương búa.
- Bóc tách, cắt lấy trọn khối u ống tai ngoài (cùng màng nhĩ, cán búa) theo chu vi ra khỏi các mô xung quanh. Khối u hủy nhẹ xương thành trước ống tai, hủy thành dưới một lỗ khoảng 3mm2. Mô tuyến mang tai, mô sau bao khớp thái dương hàm (T) còn nguyên vẹn.
- Khoan mài láng toàn bộ hố chũm, khoan bỏ khung nhĩ xương, làm sạch hòm nhĩ.
- Lấy 1 mẫu mô mềm trong lỗ khuyết gửi GPB lọ 1. Lấy 1 mẫu mô thùy nông tuyến mang tai gửi GPB lọ 2.
- Chỉnh hình rộng cửa tai
- Lấy cân cơ thái dương che phủ xương bàn đạp.
- Cố định bên ngoài bằng meche ống tai ngoài tẩm Pomade Tetracyclin
- Khâu da
Kết quả giải phẫu bệnh trong mổ : Lọ 1 : còn hình ảnh nghịch sản nặng biểu mô lát tầng. Lọ 2 : mô tuyến mang tai bình thường.
Bệnh nhân được xuất viện sau mổ 7 ngày với tình trạng ổn và được chuyển viện sang bệnh viện chuyên khoa Ung bướu để tiếp tục được xạ trị.
BÀN LUẬN
Ung thư biểu mô tế bào gai của xương thái dương và ống tai ngoài là một loại u hiếm gặp với tỉ lệ mắc bệnh khoảng từ 1 đến 6 trường hợp trên dân số 1 triệu người trong 1 năm [7].
Loại ung thư này chiếm dưới 0.2% tất cả các loại u ở đầu cổ [5], nhưng nó là loại ung thư thường gặp nhất ở ống tai ngoài [7]. Nhìn chung, hút thuốc lá và uống rượu là hai yếu tố nguy cơ quan trọng nhất liên quan đến ung thư tế bào gai ở đầu cổ. Ung thư biểu mô tế bào gai xương thái dương và ống tai ngoài thường có liên quan đến viêm tai giữa mạn tính và xạ trị [7]. Chẩn đoán ung thư biểu mô tế bào gai xương thái dương và ống tai ngoài được căn cứ dựa trên khảo sát mô bệnh học của khối u trong tai.
Do ung thư tế bào biểu mô gai xương thái dương và ống tai là khá hiếm nên việc phát triển một hệ thống phân giai đoạn u và điều trị đầy đủ là rất khó khăn. Hệ thống phân giai đoạn ung thư tế bào biểu mô nguyên phát ở ống tai ngoài của Đại học Pittsburgh được đề xướng bởi Arriaga và cs vào năm 1990 với mục tiêu phân loại bệnh lý trước khi điều trị [1]. Mặc dù có những hạn chế trong việc xác định mức độ xâm lấn của u vào mô mềm nhưng việc phát triển hệ thống phân loại TNM sử dụng CT-scan xương thái dương trước mổ đã được nhiều nghiên cứu công nhận là có khả năng phản ánh chính xác mức độ lan rộng của bệnh lý và giúp lên kế hoạch lấy bỏ u [3].
Phân chia giai đoạn ung thư tế bào gai ở ống tai ngoài được dựa trên mức độ lan rộng của u trong tai và xương thái dương. Dựa trên hệ thống phân giai đoạn ung thư biểu mô tế bào gai của Pittsburgh, khối u T1 chỉ giới hạn trong ống tai, không có hủy xương hay xâm lấn mô mềm; khối u T2 có hủy một phần xương ống tai hoặc xâm lấn mô mềm < 0.5 cm; khối u T3 hủy xương ống tai ngoài (hủy hết chiều dày bản xương) cùng với xâm lấn mô mềm < 0.5cm hoặc u xâm lấn tai giữa và/hoặc xương chũm; khối u T4 là khối u có hủy ốc tai, đỉnh xương đá, thành trong hòm nhĩ cùng với xâm lấn ống động mạch cảnh, lỗ tĩnh mạch cảnh hoặc màng cứng, hoặc u xâm lấn mô mềm lan rộng (>0.5cm) [4]. Gần đây, Moody và cs đã đề xuất phân loại u T4 sẽ bao gồm thêm cả các u có xâm lấn thần kinh mặt. Hệ thống phân loại ung thư tế bào gai xương thái dương Pittsburgh cải tiến xếp các bệnh nhân có liệt mặt thuộc về nhóm u T4 [6].
Điều trị ung thư tế bào gai ở ống tai ngoài phụ thuộc vào giai đoạn của khối u, tức là phụ thuộc vào di căn hạch bạch huyết và có liên quan dây thần kinh mặt hay không. Phương pháp điều trị được ưa chuộng thường bao gồm phẫu thuật lấy u trọn khối (en bloc) với biên phẫu thuật không còn u cùng với hóa trị và xạ trị sau mổ. Loại phẫu thuật thường được thực hiện đó là cắt mặt ngoài xương thái dương hoặc cắt gần trọn xương thái dương [2]. Các yếu tố tiên lượng xấu bao gồm mức độ lan rộng của bệnh lý, biên phẫu thuật còn u, xâm lấn màng cứng và dây thần kinh nội sọ, và liệt mặt. Tỉ lệ sống 5 năm của bệnh nhân ung thư tế bào gai xương thái dương dao động từ 40% đến 70%, và có thể chỉ còn 20% khi bệnh đã ở giai đoạn tiến triển [5].
Trong báo cáo này, bệnh nhân có ung thư ống tai ngoài được phân loại T4N0M0, chưa có bằng chứng của di căn. Ung thư tế bào gai T4 ở ống tai ngoài có tiên lượng rất xấu; tỉ lệ sống 2 năm của ung thư tế bào gai T4 ở ống tai ngoài là khoảng 7%.
KẾT LUẬN
Ung thư biểu mô tế bào gai của ống tai ngoài và xương thái dương là rất hiếm gặp, và phương pháp điều trị phụ thuộc vào giai đoạn của khối u. Phát hiện sớm trước khi u lan rộng vào trong tai giữa sẽ cho phép điều trị và tiên lượng tốt hơn.
Đọc thêm: Viêm tai xương chũm mạn tính cholesteatoma: một trường hợp phát hiện trễ gây hủy xương lan rộng và các biến chứng