Theo nghiên cứu được trình bày tại EHRA 2023 (Hội nghị khoa học của Hiệp hội Tim mạch Châu Âu – ESC), bệnh nhân mắc COVID-19 nặng và cần thở máy có nguy cơ phát triển nhịp nhanh thất trong vòng 6 tháng cao gấp 16 lần so với người cùng độ tuổi nhưng không bị nhiễm trùng nặng. Nguy cơ rối loạn nhịp tim khác cũng tăng cao.
1. Tổng quan
Tiến sĩ Marcus Stahlberg (Viện Karolinska, Stockholm, Thụy Điển) cho biết: “Việc phát triển nhịp nhanh thất hoặc các rối loạn nhịp tim khác sau khi mắc “COVID-19 nặng” có khả năng thấp đối với từng bệnh nhân, nhưng cao hơn nhiều so với những người không bị nhiễm trùng nặng.”
Mục tiêu của nghiên cứu này là điều tra nguy cơ rối loạn nhịp tim kéo dài sau khi xuất viện từ đơn vị ICU đối với bệnh nhân COVID-19 cần thở máy. Các nhà nghiên cứu đã sử dụng sổ đăng ký ICU của Thụy Điển để xác định tất cả bệnh nhân COVID-19 được điều trị bằng thở máy và còn sống sau xuất viện từ ICU trong khoảng thời gian từ tháng 3/2020 – 6/2021.
Mỗi bệnh nhân được nhóm lại theo độ tuổi, giới tính và quận cư trú với (tối đa) 10 người trong dân số nói chung. Kết quả chính là nhập viện với nhịp nhanh thất, rung tâm nhĩ, nhịp tim nhanh khác, hoặc nhịp tim chậm/ cấy máy tạo nhịp tim. Trong đó:
- Nhịp nhanh thất là rối loạn nhịp tim có khả năng đe dọa tính mạng xảy ra khi tâm thất đập quá nhanh để bơm máu khiến cơ thể nhận không đủ máu giàu O2.
- Rung nhĩ là nhịp tim đập nhanh và không đều gây khó thở và làm tăng nguy cơ đột quỵ.
- Nhịp tim nhanh khác đề cập đến nhịp tim nhanh không phải do rung tâm nhĩ.
- Nhịp tim chậm hoặc cấy máy điều hòa nhịp tim là tiêu chí kết hợp của nhịp tim chậm hoặc nhu cầu sử dụng máy điều hòa nhịp tim do nhịp tim chậm.
2. Tiến hành
Các nhà nghiên cứu đã phân tích nguy cơ phát triển từng rối loạn nhịp tim ở bệnh nhân COVID-19 nặng, so với những người không mắc COVID-19 nặng.
Các phân tích đã được điều chỉnh cho các yếu tố liên quan đến khả năng rối loạn nhịp tim bao gồm: tuổi, giới tính, cao huyết áp, đái tháo đường, lipid máu, bệnh thận mạn và tình trạng kinh tế xã hội (trình độ học vấn, tình trạng hôn nhân và thu nhập).
Nghiên cứu bao gồm:
- Nhóm thử: 3.023 bệnh nhân mắc COVID-19 nặng được thở máy tại ICU (Thụy Điển)
- Nhóm chứng: 28.463 cá nhân (từ dân số chung) chưa từng thở máy tại ICU do COVID-19
Độ tuổi trung bình của những người tham gia là 62 tuổi (trong đó phụ nữ chiếm 30%). TS. Stahlberg cho biết: “Tuổi cao và giới tính nam là 2 yếu tố nguy cơ quan trọng dẫn đến việc mắc bệnh nghiêm trọng với COVID-19 và điều này đã được phản ánh ở những người tham gia nghiên cứu của chúng tôi.”
Với thời gian theo dõi trung bình là 9 tháng:
- Ở những bệnh nhân mắc COVID-19 nặng, tỷ lệ mới mắc (incidence rate) nhịp nhanh thất, rung nhĩ, nhịp tim nhanh khác và nhịp tim chậm/cấy máy tạo nhịp tim trên 1.000 người/năm lần lượt là 15,4, 78,4, 99,3 và 8,5. Tỷ lệ mới mắc tương ứng ở nhóm chứng lần lượt là 0,9; 6,0; 6,7 và 0,9.
- So với nhóm đối chứng, những bệnh nhân mắc COVID-19 nặng cần thở máy có nguy cơ nhịp nhanh thất cao gấp 16 lần, nguy cơ rung tâm nhĩ cao gấp 13 lần, nguy cơ mắc các rối loạn nhịp nhanh khác cao gấp 14 lần và nguy cơ nhịp tim chậm/cấy máy tạo nhịp tim cao gấp 9 lần.
Stahlberg cho biết: “Bệnh nhân COVID-19 cần thở máy thường mắc các bệnh lý khác và thêm chứng rối loạn nhịp tim có thể khiến sức khỏe ngày càng xấu đi. Những bệnh nhân này nên tìm đến sự hỗ trợ của đội ngũ y tế nếu họ bị đánh trống ngực hoặc nhịp tim không đều sau khi xuất viện. Việc này giúp họ được đánh giá về chứng rối loạn nhịp tim có thể xảy ra.”
3. Kết luận
Tăng nguy cơ rối loạn nhịp tim hậu COVID-19 cũng đã được báo cáo trước đây ở phần lớn bệnh nhân COVID-19 không cần điều trị ICU. Với dữ liệu mới của nghiên cứu và 650 triệu ca nhiễm COVID-1919 được báo cáo trên toàn cầu trường hợp, hệ thống bệnh viện nên chuẩn bị cho sự gia tăng số lượng bệnh nhân cần quản lý do rối loạn nhịp tim mới khởi phát.
Y360 | Nguyễn Thị Yến Nhi
1The abstract ‘Surviving critical COVID-19 requiring mechanical ventilation is associated with a high long-term risk of de novo arrhythmic events’ will be presented during the session ‘ePoster session 49’ which takes place on 18 April at 14:15 CEST in the room Rambla 1.
2Xie Y, Xu E, Bowe B, Al-Aly Z. Long-term cardiovascular outcomes of COVID-19. Nat Med. 2022;28:583–590.
3PAHO weekly COVID-19 epidemiological update -EW50- 20 December 2022: